Hè về, cùng với cái nắng chói chang, nhiệt độ ngoài trời có khi lên tới 40 – 41 độ C cùng với độ ẩm cao khiến cho mọi người vô cùng mệt mỏi. Trừ những người mà công việc bắt buộc phải phơi mình chịu nắng, còn những người may mắn được làm việc trong nhà, ngoài các loại quạt điện to nhỏ còn được trang bị máy điều hòa nhiệt độ, làm cho mát mẻ và dễ chịu. Nhưng bên cạnh sự dễ chịu đó là không ít điều không dễ chịu do điều hòa nhiệt độ gây ra. Từ lâu, người ta đã nói đến hội chứng nhà cao tầng với thủ phạm chính là máy điều hòa không khí…
Máy điều hòa nhiệt độ gây hại gì?
Máy điều hòa nhiệt độ (ĐHNĐ) bảo đảm cho nhiệt độ phòng ở mức dễ chịu nhất (từ 22 – 28 độ C. Ở mức nhiệt độ này, cơ thể thường không quá nóng hoặc quá lạnh, trung tâm điều nhiệt của cơ thể cũng không cần phải làm việc nhiều. Mồ hôi tiết ra dễ dàng bay hơi khiến cơ thể khô ráo dễ chịu. Nhưng nhiệt độ lạnh và khô cũng có thể gây khô da, viêm da, mất nước (đặc biệt là ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ), gây các bệnh như viêm mũi họng, viêm đường hô hấp trên trong trường hợp dùng điều hòa một thời gian dài mà không bảo dưỡng điều hòa có thể có mùi khó chịu hoặc vi khuẩn
Tổ chức Y tế thế giới cũng thông báo có tới 20% số bệnh nhân bị bệnh khô, viêm mắt có nguyên nhân là do làm việc trong môi trường điều hòa không được thông gió quá lâu. Điều này cần được chú ý ở các bệnh nhân có bệnh về mắt hoặc đang dùng kính áp tròng. Nhiệt độ thấp cũng có thể là yếu tố kích ứng khởi phát các cơn hen, đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong phòng và bên ngoài cũng là một vấn đề nếu ngoài trời nóng tới 39 – 40 độ C mà trong phòng chỉ có 24 độ C? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn ra ngoài hoặc đang ở ngoài vào ngay phòng lạnh? Nếu bạn là người khỏe mạnh, chắc sẽ không có điều gì xảy ra.
Nhưng nếu bạn bị tăng huyết áp hoặc bị các bệnh hô hấp, tim mạch mạn tính khác hoặc thậm chí bạn đang không được khỏe, rất có thể sự thay đổi nhiệt độ đột ngột đó là nguyên nhân gây nên cơn tăng huyết áp, đau đầu, nôn, buồn nôn, thậm chí gây tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim… Làm việc, ngủ trong phòng kín có ĐHNĐ quá lâu thường gây mệt mỏi, mất tập trung, làm việc kém hiệu quả.
Về nguyên tắc chung, máy ĐHNĐ chỉ làm lạnh không khí trong phòng mà không đưa thêm không khí từ ngoài vào. Nói một cách khác, không khí trong phòng có máy ĐHNĐ sẽ bị tù hãm. Nếu số người trong phòng vừa đủ, sẽ không có vấn đề gì nhưng nếu số người trong phòng quá đông, chắc chắn bạn sẽ có cảm giác ngột ngạt do thiếu ôxy và tăng lượng thán khí (CO2).
Máy ĐHNĐ cũng là ổ chứa các tác nhân gây bệnh như nấm mốc, vi khuẩn, virut và các tác nhân gây dị ứng nếu không được làm sạch. Người ta ước tính nguy cơ viêm phổi tăng gấp 2,5 lần khi ở trong phòng có ĐHNĐ kéo dài khi cơ thể không được khỏe mạnh. Loại vi khuẩn thường gặp nhất sống trong các máy ĐHNĐ không đảm bảo vệ sinh là legionella pneumophila. Vi khuẩn này được máy ĐHNĐ thổi ra không khí, hít vào đường hô hấp và gây viêm phổi.
Máy ĐHNĐ cũng có thể gây rung, gây tiếng ồn làm mọi người mất ngủ. Ngồi thường xuyên trong phòng điều hòa khiến mọi người ít vận động, cơ thể cũng không cần tiêu tốn năng lượng để điều hòa thân nhiệt, điều này có thể dẫn đến chứng lười vận động và béo phì.
Khắc phục được không?
Có thể khắc phục được một số mặt không có lợi của máy ĐHNĐ. Trước hết, bạn hãy chọn mua điều hòa đủ tiêu chuẩn, đáng tin cậy và thường xuyên bảo dưỡng làm sạch theo định kỳ. Nhiệt độ tối ưu nên đặt là từ 24 – 28 độ C. Tránh ra ngoài hoặc vào phòng đột ngột nếu độ chênh giữa nhiệt độ phòng và bên ngoài quá cao.
Trước khi bật điều hòa, nên mở hết các cánh cửa để không khí tù hãm hôm trước được đẩy hết ra ngoài. Phòng có nhiều người làm việc nên lắp thêm quạt thông gió cho thông thoáng. Có thể dùng thêm quạt gió, nếu vẫn cảm thấy nóng thì tốt hơn là tiếp tục hạ nhiệt độ xuống dưới 20 độ C. Không nên lạm dụng ĐHNĐ nhất là đối với trẻ sơ sinh và người già, người có các bệnh viêm mũi họng mạn tính hoặc các bệnh hô hấp, tim mạch nhạy cảm với sự thay đổi đột ngột của nhiệt độ.
Có thể đặt khăn ẩm, chậu nước trong phòng để làm ẩm không khí, tránh các bệnh do khô da, khô niêm mạc do ĐHNĐ gây ra. Nên uống đủ nước, đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường các hoạt động thể lực trong và sau khi làm việc trong phòng có ĐHNĐ.
Chẳng gì bằng thiên nhiên…
Đã có một thời chúng ta coi thiên nhiên như kẻ thù với những mong muốn đại loại như “chế ngự”, “kiềm chế”, “khuất phục” thiên nhiên với những ý tưởng điên rồ như ngăn sông, lấp bể, phá rừng đốt nương, và thậm chí còn mong phá bão, tạo mưa… mà không hiểu rằng con người chúng ta cũng là một phần của thiên nhiên, phá hoại thiên nhiên cũng có nghĩa là tự giết mình.
Càng ngày chúng ta càng hiểu rằng, những căn phòng máy lạnh, những môi trường nhân tạo do con người xây dựng đang và sẽ không bao giờ thay thế được một bóng cây râm mát, một ngọn gió trong lành mát rượi từ cánh đồng lúa xanh hay từ biển khơi dập dờn ngọn sóng. Thật là nực cười khi chúng ta chặt cây, lấp ruộng để xây những tòa nhà kín mít sau đó trồng cây… bằng nhựa và tạo mát mẻ bằng… máy điều hòa và kết quả là nhiều người phát ốm. Đó là điều đáng phải suy ngẫm!
Trốn nóng trong phòng điều hòa: Không đúng cách, sẽ mệt thêm
Mùa hè nóng nực, trốn trong phòng điều hòa tận hưởng khí mát lạnh, thật dễ chịu. Tuy nhiên, nếu sử dụng điều hòa không đúng cách, sẽ khiến bạn thấy mệt thêm. Một vài lưu ý sau sẽ giúp bạn sử dụng điều hòa một cách khoa học hơn.
Mùa hè, điều hòa ở mức 26 độ C là hợp lý. Nghiên cứu khoa học cho thấy, mùa thu và mùa hè nhiệt độ phù hợp nhất với cơ thể con người là khoảng 26 độ C, thấp hơn 3-4 độ C nữa thì cơ thể sẽ cảm thấy hơi lạnh. Ngoài ra, do nhiệt độ bên trong phòng điều hòa và ngoài chênh lệch, ở lâu trong môi trường nhiệt độ quá lạnh, khả năng điều tiết nhiệt độ cơ thể sẽ bị rối loạn, lâu dài sẽ khiến công năng của hệ thống miễn dịch giảm, xuất hiện một số triệu chứng bệnh, y học gọi là chứng bệnh “điều hòa”. Do vậy, khuyến nghị tốt nhất để điều hòa ở khoảng 26 độ C.Quạt gió điều hòa nên thổi lên trên. Khi bật điều hòa, không khí lạnh sẽ chìm xuống dưới, do vậy quạt gió tốt nhất nên hướng lên trên, tránh cho gió lạnh thổi trực tiếp vào người. Lưu ý, quạt lạnh từ đằng sau thổi gió vào vùng lưng, vai sẽ gây tổn hại sức khỏe nhiều hơn so với người ngồi đối diện với quạt lạnh của điều hòa. Nhân viên văn phòng, nếu như vị trí ngồi không thể thay đổi, tốt nhất nên dự phòng một chiếc khăn mỏng, cuốn khăn quanh cổ hoặc để che lên chân, đặc biệt là vùng đầu gối. Ngồi lâu, khí lạnh sẽ “ngấm” vào chân, lúc này bạn nên đứng dậy hoạt động, để tăng tuần hoàn máu.Một số người từ bên ngoài về nhà, đang đầy mồ hôi lại lập tức mở điều hòa lạnh, điều này rất có hại cho sức khỏe. Vì lúc này lỗ chân lông đang mở rộng, sẽ không kịp đóng lại khi gặp khí lạnh, dễ khiến nhiệt độ cơ thể giảm đột ngột, gây cảm lạnh. Ngoài ra, khi ngủ, nhiệt độ cơ thể thường hạ thấp, nếu buổi đêm không khí mát mẻ, bạn lại bật thêm điều hòa nữa sẽ dễ bị các triệu chứng như cảm lạnh hoặc đau đầu. Do vậy, có thể đặt chế độ hẹn giờ để tắt điều hòa hoặc tắt điều hòa trước khi ngủ.Người thường xuyên ở trong phòng điều hòa, để dự phòng da khô, họng khô, nên uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả tươi. Đối với người mắc bệnh về đường hô hấp, thời gian ở trong phòng điều hòa nên ngắn, nhiệt độ cũng không được quá thấp, trong phòng nên có thêm máy làm ẩm, nếu cảm thấy tức ngực, chóng mặt nên ra ngoài vận động, hít thở không khí ngoài trời.Không nên “ngồi lỳ” trong phòng máy lạnh. Những người có hệ thống miễn dịch kém như phụ nữ mang thai, trẻ em, người già mắc bệnh thấp khớp, viêm khớp, nên ít dùng điều hòa. Thậm chí mỗi ngày vào lúc sáng sớm và hoàng hôn khi nhiệt độ ngoài trời đã hạ xuống, nên ra ngoài vận động, tăng cường hệ miễn dịch.